Các giống hoa Đà Lạt
Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, Đà Lạt có điều kiện để phát triển nhiều loại cây ôn đới. Trừ một vài giống rau từ miền Bắc, hầu hết các giống rau của thành phố đều được nhập về từ Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Cây rau chiếm diện tích canh tác chủ yếu tại Đà Lạt cả trước đây và hiện nay là cải bắp, nhiều nhất là giống cải bắp của Nhật Bản, được trồng quanh năm. Các cây cải thảo và cải bông cũng có mặt ở khắp các địa phương, tập trung vào vụ đông xuân hàng năm. Một loại cây rau ngắn ngày nổi tiếng của Đà Lạt là xà lách, có thời gian sinh trưởng ngắn nên được trồng xen với những chủng loại cây rau khác. Trên các vùng trồng rau của Đà Lạt còn có thể thấy các giống cây nông nghiệp như khoai tây, cà rốt, hành tây, đậu Hà Lan, rau chân vịt... Đà Lạt được biết đến như vùng đất của những loài hoa, với các giống Mai anh đào Đà Lạt, hoa lan, hoa hồng, hoa ly, hoa lay ơn, hoa cẩm tú cầu, hoa bất tử, hoa cẩm chướng... Các giống lan nhập nội vào Đà Lạt thuộc các chi Lan kiếm, Lan hoàng thảo, Lan hài, Lan hoàng hậu... với trên 300 giống. Từ năm 2000, một số giống lan vùng nhiệt đới và á nhiệt đới cũng được trồng thành công như giống lai trong chi Hồ điệp, Hoàng y Mỵ Nương, Lan nhện. Các loài lay ơn, hoa hồng, hoa ly đều được trồng ở Đà Lạt từ khoảng giữa thế kỷ 20. Trên các vùng đất ngoại ô thành phố, còn có thể thấy những vườn cây ăn trái như đào, mận, hồng, dâu tây... các vùng trồng cây công nghiệp như chè, cà phê, hay atisô, loài cây dược liệu nổi tiếng của Đà Lạt. Vào năm 2011, thành phố có 7.123 hecta gieo trồng rau, 441 hecta trồng cây ăn quả, 25 hecta trồng lúa, và gần 3.500 hecta diện tích trồng hoa, trong đó khoảng 1.500 hecta nhà kính.
Hoa Đà Lạt
Sản lượng hoa Đà Lạt
Trước đây, tham gia sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt là các gia đình nông dân và một số điền trang tư nhân quy mô nhỏ. Thời kỳ sau năm 1975, với chính sách kinh tế kế hoạch tập trung, ở Đà Lạt xuất hiện các hợp tác xã nông nghiệp và các tập đoàn sản xuất. Sản xuất nông nghiệp khi đó được thực hiện theo kế hoạch đến từng khóm dân cư, việc thu mua rau do Công ty Nông sản Thực phẩm và Công ty Ngoại thương đảm nhận. Nhưng đến cuối thập kỷ 1980, hầu hết các tập đoàn sản xuất và hợp tác xã đều ngừng hoạt động và tự tan rã, phần lớn đất sản xuất được giao khoán đến từng gia đình nông dân. Những năm gần đây, Đà Lạt xuất hiện nhiều công ty nông nghiệp tư nhân và nước ngoài, như Dalat Hasfarm Agrivina, Bonnie Farm, Rừng Hoa Đà Lạt, Langbiang Farm... trong lĩnh vực trồng hoa hay Golden Garden, Rau Nhà Xanh, Kim Bằng, Bio-Organics... tham gia sản xuất rau quả. Với mục đích ổn định, phát triển ngành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vào năm 2002 và 2006, Hiệp hội rau quả Đà Lạt và Hiệp hội hoa Đà Lạt lần lượt được thành lập. Nhờ mở rộng diện tích canh tác và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, sản lượng nông nghiệp của thành phố tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Vào năm 1996, Đà Lạt thu hoạch 82.448 tấn rau, đến năm 2002 con số này lên tới 183.300 tấn, và năm 2011, sản lượng rau của thành phố đạt 212.870 tấn.Tương tự, ngành sản xuất hoa Đà Lạt cũng tăng trưởng trung bình 20% một năm, sản lượng hoa cắt cành ở mức 150 triệu cành năm 2001 đã tăng lên trên 900 triệu cành vào năm 2009 và 1,5 tỷ cành vào năm 2011. Sản phẩm hoa của thành phố được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Việt Nam, trong hơn 10 năm gần đây, chỉ khoảng 5% hoa Đà Lạt xuất khẩu ra nước ngoài.
Nguồn: wikipedia.org
EmoticonEmoticon