Lịch sử hình thành và phát triển giáo dục Thành phố Đà Lạt
Sau khi triều đình Huế thông báo dụ thành lập thị tứ Đà Lạt vào năm 1916, dân cư Đà Lạt và vùng lân cận dần tăng lên, hệ thống giáo dục ở đây bắt đầu hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của thành phố. Trường học đầu tiên ở Đà Lạt là trường École française, khai giảng vào ngày 20 tháng 12 năm 1919, chỉ dành riêng cho các học sinh người Pháp. Cuối thập niên 1920, những công chức người Pháp tới Đà Lạt ngày một đông, thành phố có thêm hai ngôi trường Pháp mới, Petit Lycée và Grand Lycée. Trường Grand Lycée được khởi công xây dựng vào năm 1929 và khai giảng năm 1933, dành cho con em người Pháp và các quan lại người Việt. Đến năm 1935, trường khánh thành và mang tên Trung học Yersin, tiền thân của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ngày nay. Ngôi trường dành cho học sinh Việt Nam đầu tiên là một trường tư được thành lập năm 1927. Năm 1928, ngôi trường công dành cho học sinh Việt mang tên École communale de Dalat, ngày nay là trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, khai giảng khóa đầu tiên. Năm 1934, Trường Couvent des Oiseaux và năm 1939, Trường Thiếu sinh quân Đà Lạt lần lượt được ra đời. Ở bậc giáo dục đại học, niên học 1944-1945, Chính phủ Pháp cho mở một lớp chuyên khoa toán đặt tại Trung học Yersin. Lớp học này có khoảng 40 sinh viên, chỉ tồn tại đến tháng 3 năm 1945, thời điểm Nhật đảo chính Pháp. Thời kỳ 1945 đến 1954, ở Đà Lạt còn xuất hiện thêm hai ngôi trường mới, Trường Hành chính Quốc gia và Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt. Sau năm 1954, dân số Đà Lạt tăng đột biến nhờ một lượng lớn di dân từ miền Bắc và miền Trung, nhiều ngôi trường mới tiếp tục ra đời. Năm 1957, Viện Đại học Đà Lạt được thành lập, xuất phát từ một tổ chức tư thục do giáo hội Thiên Chúa giáo quản lý. Từ 49 sinh viên trong niên học đầu tiên 1958-1959, đến niên học 1974-1975, Viện Đại học Đà Lạt có khoảng 5.000 sinh viên theo học, bao gồm các trường Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học và Đại học Chính trị - Kinh doanh. Thời điểm trước tháng 4 năm 1975, tại Đà Lạt có đến 61 ngôi trường, cả công lập và tư thục. Bên cạnh các trường phổ thông, đại học, ở đây còn có nhiều trường đào tạo quân sự và tôn giáo như Trường Võ bị Quốc gia, Trường Chiến tranh chính trị, Trường Chỉ huy và Tham mưu, Giáo Hoàng học viện.Ngày nay, Đà Lạt vẫn là một trung tâm giáo dục của miền Nam Việt Nam. Năm 2011, ở bậc giáo dục tiểu học và phổ thông, toàn thành phố Đà Lạt có 44 trường, 1.763 giáo viên và 37.711 học sinh, trong đó 16.712 học sinh tiểu học, 12.311 học sinh trung học cơ sở và 8.688 học sinh trung học phổ thông. Thành phố cũng có 25 trường, 417 giáo viên và 8.972 học sinh bậc mẫu giáo. Tại Đà Lạt còn có thể thấy sự hiện diện của ba trường đại học, bốn trường cao đẳng cùng các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường giáo dục chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật... Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được thành lập năm 1976, đến năm 1992, trường hợp nhất với Trung học Sư phạm và Sư phạm Mầm non trở thành một trường sư phạm đa hệ. Do nhu cầu giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở giảm bớt nên quy mô đào tạo trường cũng thu hẹp lại, chỉ còn hơn 1.000 sinh viên chính quy. Năm 1976, Trường Đại học Đà Lạt được thành lập trên cơ sở của Viện Đại học Đà Lạt trước đó. Thời gian đầu, trường chỉ đào tạo cử nhân cho các ngành khoa học cơ bản với quy mô nhỏ, 250 sinh viên trong niên học 1977-1979. Ngày nay, Đại học Đà Lạt trở thành một trường đại học đa ngành với 52 ngành nghề của các bậc đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học đến nghiên cứu sinh. Năm 2011, Trường Đại học Đà Lạt có 22.665 sinh viên đang theo học ở tất cả các bậc đào tạo. Từ năm 2004, thành phố Đà Lạt có thêm một trường đại học mới mang tên Alexandre Yersin. Hiện nay, Trường Đại học Dân lập Yersin Đà Lạt gồm 8 khoa, đào tạo 2.329 sinh viên trong năm 2011. Đà Lạt vẫn tiếp tục là địa điểm của một đại học quân sự quan trọng. Sau tháng 4 năm 1975, các trường quân sự của Việt Nam Cộng hòa bị giải thể. Bộ Quốc phòng quyết định chuyển địa điểm của Học viện Quân sự từ Hà Nội vào Đà Lạt, tiếp nhận cơ sở từ các trường quân sự cũ. Học viện Lục quân ngày nay nằm ở phía đông bắc thành phố, là nơi đào tạo sỹ quan trung cao cấp cho Quân đội Việt Nam, cũng là một cơ quan nghiên cứu khoa học quân sự. Bên cạnh các cơ sở giáo dục, ở Đà Lạt còn có sự hiện diện của nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học quan trọng, như Viện Sinh học Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt hay Viện Pasteur Đà Lạt.
Nguồn: wikipedia.org
EmoticonEmoticon