Hiển thị các bài đăng có nhãn kien-thuc-da-lat. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn kien-thuc-da-lat. Hiển thị tất cả bài đăng

Địa lý thành phố Đà Lạt

Địa hình thành phố Đà Lạt

Thành phố Đà Lạt rộng 394,64 km², nằm trên cao nguyên Lâm Viên, nơi có độ cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển. Với tọa độ địa lý 11°48′36″ đến 12°01′07″ vĩ độ bắc và 108°19′23″ đến 108°36′27″ kinh độ đông, Đà Lạt nằm trọn trong tỉnh Lâm Đồng, phía bắc giáp huyện Lạc Dương, phía đông và đông nam giáp huyện Đơn Dương, phía tây giáp huyện Lâm Hà, phía tây nam giáp huyện Đức Trọng. Sau đợt điều chỉnh địa giới hành chính gần đây nhất vào năm 2009, Đà Lạt bao gồm 12 phường, được định danh bằng số thứ tự từ 1 đến 12, và bốn xã Xuân Thọ, Xuân Trường,Tà Nung và Trạm Hành.

thành phố đà lạt
 Quang cảnh Đà Lạt nhìn từ trên cao

Địa hình Đà Lạt được phân thành hai dạng rõ rệt: địa hình núi và địa hình bình nguyên trên núi. Địa hình núi phân bố xung quanh vùng cao nguyên trung tâm thành phố. Các dãy núi cao khoảng 1.700 mét tạo thành một vành đai chắn gió che cho khu vực lòng chảo trung tâm. Từ thành phố nhìn về hướng bắc, dãy Lang Biang như một tường thành theo hướng đông bắc – tây nam, kéo dài từ suối Đạ Sar đến hồ Dankia. Hai đỉnh cao nhất của dãy núi này có độ cao 2.167 mét và 2.064 mét. Án ngữ phía đông và đông nam Đà Lạt là hai dãy Bi Doup và Cho Proline. Về phía nam, địa hình núi chuyển tiếp sang bậc địa hình thấp hơn, đặc trưng là khu vực đèo Prenn với các dãy núi cao xen kẽ những thung lũng sâu. Trung tâm Đà Lạt như một lòng chảo hình bầu dục dọc theo hướng bắc – nam với chiều dài khoảng 18 km, chiều rộng khoảng 12 km. Những dãy đồi đỉnh tròn ở đây có độ cao tương đối đồng đều nhau, sườn thoải về hướng hồ Xuân Hương và dần cao về phía các vùng núi bao quanh. Nơi cao nhất trong trung tâm thành phố là dinh Nguyễn Hữu Hào trong Bảo tàng Lâm Đồng với độ cao 1.532 mét, còn điểm thấp nhất là thung lũng Nguyễn Tri Phương, độ cao 1.398 mét.

thành phố đà lạt
Đà Lạt thành phố cao nguyên kỳ vĩ

Trên địa phận thành phố Đà Lạt, xen giữa vùng đồi thấp trung tâm thành phố và các dãy núi bao quanh, có thể thấy hơn 20 dòng suối có chiều dài trên 4 km, thuộc các hệ thống suối Cam Ly, Đa Tam và hệ thống sông Đa Nhim. Đây đều là những con suối đầu nguồn thuộc lưu vực sông Đồng Nai, trong đó hơn một nửa là các con suối cạn, chỉ chảy vào mùa mưa và cạn kiệt vào mùa khô. Suối Cam Ly dài 64,1 km, bắt nguồn từ huyện Lạc Dương, chảy theo hướng bắc – nam và đổ vào hồ Xuân Hương. Đây chính là hệ thống suối lớn nhất Đà Lạt, có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan cho khu vực đô thị trung tâm. Đà Lạt còn nổi tiếng là thành phố của hồ và thác với khoảng 16 hồ lớn nhỏ phân bố rải rác, phần nhiều là các hồ nhân tạo. Hồ Xuân Hương nằm ở trung tâm thành phố, rộng khoảng 38 ha, được tạo lập năm 1919 trong quá trình xây dựng Đà Lạt. Trước năm 1986, hồ Xuân Hương cùng hồ Chiến Thắng và hồ Than Thở là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho thành phố. Ngày nay, nguồn nước sinh hoạt được dẫn về từ hồ Dankia thuộc huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 17 km.

Nguồn: wikipedia.org

Khí hậu Thành Phố Đà Lạt

Khí hậu Đà Lạt

Do nằm ở độ cao 1.500 mét và được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng, đặc biệt là rừng thông bao quanh, nên đối lập với khí hậu nhiệt đới gió mùa của miền trung và khí hậu nhiệt đới xavan ở miền nam, thành phố Đà Lạt có một khí hậu miền núi ôn hòa dịu mát quanh năm.

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới xavan, Đà Lạt có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa trùng với mùa gió mùa tây nam, bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10. Còn mùa khô trùng với mùa gió mùa đông bắc, kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Vào mùa khô, Đà Lạt chịu ảnh hưởng của khối không khí biển Đông, mang lại thời tiết nắng ấm, ít mây, không mưa, nhiệt độ hạ thấp về ban đêm và biên độ nhiệt lớn. Trong những tháng mùa mưa, gió mùa đông bắc hầu như không còn ảnh hưởng đến Đà Lạt, thay thế bởi khối không khí xích đạo từ phía nam tràn lên phía bắc. Gió mùa tây nam mang lại nguồn ẩm chủ yếu cho những trận mưa lớn và những đợt mưa kéo dài nhiều ngày. Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của khối không khí nhiệt đới Thái Bình Dương, trong mùa mưa vẫn có những thời kỳ thời tiết tạnh ráo.


khí hậu đà lạt

khí hậu thành phố Đà Lạt

Nhiệt độ trung bình tháng ở Đà Lạt không bao giờ vượt quá 20°C, ngay cả trong những tháng nóng nhất. Tuy vậy, Đà Lạt cũng không phải là nơi có nhiệt độ trung bình tháng thấp nếu so với các tỉnh thành phố miền bắc có khí hậu cận nhiệt đới. Trong những tháng mùa đông, nhiệt độ trung bình tháng vẫn trên 14°C. Theo số liệu thống kê từ năm 1964 tới năm 1998, nhiệt độ trung bình năm ở Đà Lạt là 17,9°C, trong đó năm 1973 có nhiệt độ trung bình cao nhất lên đến 18,5°C, còn năm 1967 nhiệt độ trung bình xuống thấp nhất, 17,4°C. Nếu so sánh với Sa Pa, thị trấn nghỉ dưỡng ở miền Bắc ở độ cao 1.581 mét so với mặt biển và nằm trong vùng cận nhiệt đới, thì nhiệt độ trung bình ở Đà Lạt cao hơn 2,6°C, và nếu xét riêng các tháng mùa đông thì nhiệt độ trung bình của Đà Lạt cao hơn Sapa đến 10°C (tuy nhiên về mùa hè Sapa chỉ lạnh hơn Đà Lạt không đáng kể).

Biên độ nhiệt độ ngày đêm ở Đà Lạt rất lớn, trung bình năm đạt 11°C, cao nhất trong những tháng mùa khô, lên tới 13 – 14°C, và thấp nhất trong những tháng mùa mưa, chỉ khoảng 6 – 7°C. Ngược lại, biên độ nhiệt trung bình giữa các tháng trong năm lại nhỏ, tháng ấm nhất và tháng lạnh nhất cũng chỉ chênh lệnh 3,5°C. Độ dài ngày trong các mùa ở Đà Lạt không có sự chênh lệch lớn, trung bình khoảng từ 11 đến ít hơn 12 giờ vào mùa đông và trên 12 giờ vào mùa hè.Tổng số giờ nắng trong năm ở đây tương đối cao, khoảng 2.258 giờ một năm, tập trung chủ yếu vào các tháng 12, 1, 2 và 3 của mùa khô. Tổng lượng bức xạ thu nhập ở Đà Lạt khoảng 140 kCalo/cm²/năm, nhiều nhất vào tháng 4 và ít nhất vào tháng 8. Nếu so với các vùng lân cận, lượng bức xạ Mặt Trời của Đà Lạt không cao, nhưng đây là nguồn năng lượng chủ yếu cho các quá trình trao đổi nhiệt, mang lại nền nhiệt độ thấp và tương đối ôn hòa.



khí hậu đà lạt

Đà Lạt thành phố sương mù

Mùa mưa ở Đà Lạt thường bắt đầu vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11. Tuy hàng năm, thời điểm bắt đầu và kết thúc của mùa mưa có thể thay đổi, nhưng mùa mưa ở đây thường kéo dài khoảng hơn 6 tháng. Trung bình, một năm Đà Lạt có 161 ngày mưa với lượng mưa1.739 mm, tập trung nhiều nhất vào ba tháng 7, 9 và 10, ba tháng có sự hoạt động mạnh của trường gió mùa tây nam. Nếu lấy trung bình từ tháng 5 tới tháng 10, tổng lượng mưa trong mùa mưa ở Đà Lạt chiếm đến gần 80% lượng mưa của cả năm. So với vùng đồng bằng, Đà Lạt có số ngày mưa trong năm nhiều hơn, nhưng lượng mưa lại thấp hơn. Ở Đà Lạt còn có một hiện tượng thời tiết đáng chú ý khác là sương mù, trung hình 80 đến 85 ngày trong một năm, nhưng xuất hiện nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 10. Phổ biến hơn cả là loại sương mù bức xạ được hình thành khi mặt đất bị lạnh đi nhiều do bức xạ vào lúc trời quang, lặng gió. Sương mù dày ít xảy ra hơn, thường gặp vào tháng 9 và tháng 10, trung bình mỗi tháng có tới 4 đến 5 ngày sương mù dày.


Nguồn: wikipedia.org

Dân cư thành phố Đà Lạt

Dân cư Đà Lạt

Trải qua hơn một trăm năm lịch sử, từ một trung tâm nghỉ dưỡng trở thành một đô thị lớn, cộng đồng dân cư Đà Lạt thay đổi theo quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Vào năm 1893, khi bác sĩ Alexandre Yersin đến cao nguyên Lâm Viên, nơi đây chỉ là một vùng dân cư thưa thớt, một vài ngôi làng của người Lạch tập trung ở chân núi. Đến tận năm 1902, khi dự án xây dựng một thành phố của Toàn quyền Paul Doumer dừng lại, cư dân Đà Lạt vẫn chỉ là những nhóm dân tộc thiểu số người Lạch, người Chil cùng một nhóm nhỏ người Việt di cư lên đây từ trước đó. Năm 1906, một lần nữa, nơi đây được chọn làm nơi nghỉ dưỡng dành cho công chức và binh sỹ Pháp, ngoài các cư dân bản địa, ở Đà Lạt bắt đầu có các công chức người Pháp, những du khách châu Âu, và người Việt cũng bắt đầu tới đây nhiều hơn trước. Giai đoạn sau Thế chiến thứ nhất là thời kỳ thành phố phát triển mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng cùng đường xá được xây dựng khiến dân cư từ nhiều nơi tới Đà Lạt định cư, du lịch và nghỉ dưỡng. Dân số Đà Lạt đã tăng lên đáng kể từ 1.500 người vào năm 1923 lên 11.500 người năm 1939. Những năm Thế chiến thứ hai, nhiều người Pháp không thể trở về nghỉ ở quê hương và Đà Lạt trở thành điểm đến của họ. Thành phố tiếp tục được mở rộng và dân số tăng lên nhanh chóng, từ 13.000 người năm 1940 lên 25.500 người vào năm 1944.

dân cư thành phố đà lạt
dân cư thành phố Đà Lạt

Những biến cố của cuộc chiến tranh Đông Dương ảnh hưởng mạnh mẽ tới dân số Đà Lạt. Thời kỳ này rất nhiều cư dân của thành phố lánh về Cầu Đất, Đơn Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận hoặc trở về quê hương cũ. Vào năm 1946, dân số Đà Lạt chỉ còn khoảng 5.200 người, khiến người Pháp gọi nơi đây là "thành phố quạnh hiu". Nhưng khoảng thời gian tiếp theo, khi Đà Lạt một lần nữa thuộc về người Pháp, các hoạt động kinh tế, xã hội dần ổn định trở lại. Vào cuối năm 1952, dân số thành phố đạt 25.041 người, trong đó có 1.217 người châu Âu, 752 người Hoa, 22.232 người Kinh và 840 người dân tộc bản địa. Cuối năm 1953, đầu năm 1954, cuộc chiến tranh Đông Dương bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, Đà Lạt trở thành nơi dân cư các tỉnh lân cận tìm đến để tỵ nạn chiến tranh. Năm 1954, sau hiệp định Genève, thành phố đón nhận một lượng lớn những di dân từ miền Bắc cùng làn sóng người miền Trung đến lập nghiệp, khiến dân số Đà Lạt tăng vọt từ 25.000 người năm 1954 lên 58.958 người vào năm 1956. Dân số thành phố gia tăng điều hòa trong thập niên 1960, nhưng giảm sút trong thập niên 1970, khi chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn căng thẳng. Khoảng thời gian đầu sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, nhiều người phục vụ trong quân đội, chính quyền Việt Nam Cộng hòa trở về quê quán khiến dân số Đà Lạt giảm xuống, nhưng sau đó được bổ sung bởi các di dân mới từ miền Bắc và miền Trung. Cuối thế kỷ 20, địa giới hành chính Đà Lạt được mở rộng, dân số thành phố tăng lên mạnh mẽ và có sự gia tăng dân số cơ học đáng kể. Năm 2011, Đà Lạt có dân số 211.696 người, chiếm 17,4% dân số của tỉnh Lâm Đồng, mật độ 536 người/km².

dân cư thành phố đà lạt
Dân cư Đà Lạt

Trong lịch sử, Đà Lạt từng là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân cư có nguồn gốc đa dạng, từ người Kinh, người Cơ Ho đến những người Hoa, người Pháp. Ngày nay, phần lớn cư dân của thành phố là người Kinh, phần nhỏ còn lại gồm những người Hoa, người Cơ Ho và các dân tộc thiểu số khác như Tày, Nùng, Chăm... Theo số liệu năm 2011, Đà Lạt có 191.803 cư dân thành thị, tương đương 90%. Cấu trúc theo giới tính, thành phố có 100.520 cư dân nam và 111.176 cư dân nữ. Cũng như các đô thị khác, mật độ dân số của Đà Lạt không đồng đều, dân cư tập trung nhiều nhất ở các phường trung tâm như Phường 1,Phường 2, Phường 6. Ở ngoại thành, cư dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó nông nghiệp chiếm một phần quan trọng. Khu vực ngoại thành của Đà Lạt rõ nét nhất là các xã Xuân Trường, Xuân Thọ và Tà Nung.

Nguồn: wikipedia.org

Giao thông thành phố Đà Lạt

Vị trí địa lý Thành phố Đà Lạt

Do đặc điểm địa hình và vị trí địa lý, giao thông Đà Lạt chỉ gồm đường bộ, đường sắt và đường không, nhưng hiện nay chỉ giao thông đường bộ và đường không thực sự hoạt động. Tuyến đường quan trọng nhất nối Đà Lạt với các thành phố khác là quốc lộ 20. Con đường này giao với quốc lộ 1 tại ngã ba Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai, từ đó hướng về Thành phố Hồ Chí Minh và nối với quốc lộ 27 tại D'Ran để về Phan Rang và các tỉnh Nam Trung Bộ. Quốc lộ 20 còn cắt qua Di Linh, từ đây theo quốc lộ 28 về hướng nam sẽ dẫn đến thành phố Phan Thiết. Xuất phát từ Đà Lạt, tuyến đường 723 đi xuyên qua các huyện Lạc Dương của Lâm Đồng và Khánh Vĩnh, Diên Khánh của Khánh Hòa, tới thành phố Nha Trang. Con đường này được hoàn thành vào năm 2007, giúp hành trình giữa hai thành phố du lịch nổi tiếng chỉ còn khoảng 130 km, so với lộ trình cũ Đà Lạt – Phan Rang – Nha Trang dài 228 km. Đà Lạt còn một tuyến tỉnh lộ khác là đường 722 đi Đam Rông, nối thành phố với các vùng tây bắc của tỉnh Lâm Đồng. Giao thông nội thị, các tuyến xe buýt của thành phố hình thành vào năm 2006, với tuyến đầu tiên nối Đà Lạt với Đức Trọng. Thời điểm 2007, Đà Lạt có ba công ty kinh doanh vận tải xe buýt, gồm Công ty Cổ phần Vận tải Ô tô Lâm Đồng, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thái Hòa và Công ty Cổ phần Phương Trang, tổng cộng 79 đầu xe, khai thác các tuyến nội thị và từ Đà Lạt đến các huyện lân cận. Thành phố cũng có khoảng mười công ty tham gia kinh doanh vận tải taxi, trong đó có các hãng lớn như Mai Linh, Phương Trang và Thắng Lợi.

sân bay liên khương đà lạt
Nhà ga mới của sân bay Liên Khươngđược khánh thành và đưa vào hoạt động cuối năm 2009

Giao thông thành phố Đà Lạt

Giao thông hàng không của Đà Lạt được thực hiện qua sân bay quốc tế Liên Khương và sân bay Cam Ly. Sân bay Liên Khương cách trung tâm thành phố Đà Lạt 28 km về phía nam, nằm cạnh quốc lộ 20, thuộc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Phi trường này được người Pháp cho xây dựng và đưa vào hoạt động vào năm 1933, khi đó chỉ có một đường băng bằng đất nện cứng dài 700 mét. Trong Thế chiến thứ hai, Quân đội Nhật Bản đã nâng cấp sân bay Liên Khương, đường hạ cất cánh được rải cán đá và dùng cho mục đích quân sự. Phi trường còn tiếp tục được xây dựng dưới thời Việt Nam Cộng hòa với nhà ga dân dụng mới và mặt đường băng phủ bê tông nhựa có thể sử dụng cho máy bay dưới 35 tấn. Sau năm 1975, phi trường được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản và điều hành, tới năm 1980 chuyển về Tổng công ty Cảng hàng không Miền Nam quản lý. Năm 2003, Tổng công ty Cảng hàng không Miền Nam đã nâng cấp sân bay Liên Khương đạt tiêu chuẩn 4C theo phân cấp của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Cuối tháng 12 năm 2009, nhà ga mới của sân bay với diện tích sàn 12.000 mét vuông được khánh thành, bắt đầu khai thác các đường bay quốc tế. Thời điểm 2012, Hãng hàng không Vietnam Airlines khai thác mỗi ngày một chuyến bay khứ hồi Đà Lạt – Hà Nội, bốn chuyến bay khứ hồi Đà Lạt – Thành phố Hồ Chí Minh và một chuyến bay khứ hồi Đà Lạt – Đà Nẵng. Hãng hàng không Air Mekong cũng khai thác mỗi ngày một chuyến bay khứ hồi Đà Lạt – Hà Nội và một chuyến bay khứ hồi Đà Lạt – Thành phố Hồ Chí Minh. Phi trường thứ hai của Đà Lạt là sân bay Cam Ly, thuộc Phường 5, cách trung tâm thành phố 3 km về phía tây. Trước kia, đây là sân bay quân sự của Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, sân bay Cam Ly thuộc Học viện Lục quân, rồi chuyển giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Miền Nam. Do hoạt động không hiệu quả, sân bay này bị bỏ hoang nhiều năm và tới cuối 2010, được giao lại cho Bộ Quốc phòng quản lý.

sân bay liên khương đà lạt
sân bay liên khương thành phố Đà Lạt

Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được xây dựng từ năm 1903 đến năm 1928, tới năm 1932 bắt đầu khai thác vận tải toàn tuyến. So với các tuyến đường sắt khác ở Việt Nam, tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt độc đáo nhờ sử dụng hệ thống đường sắt răng cưa, gồm ba đoạn từ Sông Pha lên tới Đà Lạt, tổng cộng gần 16 km. Điểm cuối của tuyến đường sắt này là nhà ga Đà Lạt, xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938, một công trình kiến trúc độc đáo do hai kiến trúc sư người Pháp Révéron và Moncet thiết kế. Đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được sử dụng tới năm 1972, khi chiến tranh Việt Nam trở nên khốc liệt, tuyến đường buộc phải ngừng hoạt động. Từ năm 1991, thành phố Đà Lạt cho khôi phục 7 km đường sắt từ Đà Lạt tới Trại Mát, kết hợp cùng nhà ga Đà Lạt để phục vụ du lịch. Nơi đây ngày nay trở thành một trong những điểm hấp dẫn du khách của thành phố. Mặc dù không còn kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt Việt Nam, nhà ga vẫn bán vé tàu cho hành khách và có xe trung chuyển từ ga Đà Lạt đến ga Nha Trang và ga Tháp Tràm.

Nguồn: wikipedia.org

Kinh tế - du lịch Đà Lạt

Kinh tế thành phố Đà Lạt

Đà Lạt có một nền kinh tế thiên về các lĩnh vực du lịch, dịch vụ và nông nghiệp. Vào năm 2007, các ngành du lịch và dịch vụ chiếm đến 70% tổng sản phẩm nội địacủa thành phố. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế của Đà Lạt năm 2011 đạt 2.047,400 tỷ đồng, tương đương với Bảo Lộc, thành phố thứ hai của Lâm Đồng. Trong lĩnh vực công nghiệp, thu hút nhiều lao động nhất là các ngành công nghiệp chế biến. Một số sản phẩm của Đà Lạt như rượu vang, trà Atisô hay mứt trái cây từ lâu đã được biết đến rộng rãi. Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, Đà Lạt còn là vùng đất trồng nhiều chè và cà phê, cũng là hai sản phẩm quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến của thành phố. Một nghề mới phát triển trong những năm cuối thế kỷ 20 tại Đà Lạt là nghề thêu, nổi bật hơn cả là những sản phẩm tranh thêu của Công ty XQ Đà Lạt. Trong thành phố, còn có thể thấy sự hiện diện của các công ty in ấn, may mặc, dệt, chế biến tinh dầu, sản xuất lâm sản... Năm 2011, thành phố Đà Lạt có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 17%, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 42,7 triệu đô la Mỹ và thu nhập bình quân đầu người khoảng 26,6 triệu đồng.

du lịch đà lạt
 du lịch Đà Lạt

Du lịch thành phố Đà Lạt

Ở Việt Nam, Đà Lạt từ lâu đã là một thành phố du lịch nổi tiếng. Khí hậu mát mẻ, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú giúp thành phố mỗi năm thu hút hàng triệu du khách tới thăm viếng và nghỉ dưỡng. Sau một thời gian trầm lắng của thập niên 1980, du lịch Đà Lạt thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Vào thời điểm năm 2001, thành phố có 369 khách sạn gồm 4.334 phòng với sức chứa 15.821 khách, đến năm 2009 số cơ sở lưu trú tại Đà Lạt đã lên đến 673 cơ sở với hơn 11 ngàn phòng và sức chứa trên 38 ngàn khách. Tuy vậy, phần lớn các cơ sở lưu trú của thành phố có quy mô trung bình hoặc nhỏ, mang tính cá nhân, gia đình và thiếu chuyên nghiệp. Trong 673 cơ sở, chỉ 85 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 đến 5 sao và 11 khách sạn từ 3 đến 5 sao. Các khách sạn lớn tập trung chủ yếu ở khu vực Phường 1 và Phường 2, một số ít nằm rải rác ở các phường lân cận. Hiệu suất thuê phòng của các khách sạn tại Đà Lạt khoảng 30 đến 35% và phân bố không đều trong năm, tập trung vào các ngày lễ và kỳ nghỉ hè.

So với các đô thị khác của Việt Nam, Đà Lạt là thành phố được thiên nhiên dành cho nhiều ưu ái. Những thắng cảnh của thành phố, nằm rải rác ở cả khu vực trung tâm lẫn vùng ngoại ô, như hồ Xuân Hương, đồi Cù, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Prenn... từ lâu đã trở nên nổi tiếng. Tuy vậy, không ít danh thắng và di tích của Đà Lạt hiện nay rơi vào tình trạng hoang tàn và đổ nát. Thác Cam Ly, dòng thác từng đi vào thi ca lãng mạn, không còn vẻ đẹp vốn có mà tràn ngập rác thải và bốc mùi hôi thối nồng nặc do nguồn nước bị ô nhiễm. Các địa điểm như thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở hay thác Prenn đã mất đi nét hoang sơ bởi sự xuất hiện của quá nhiều hàng quán, khu trò chơi và cây cảnh. Thác Voi, một thắng cảnh khác không xa Đà Lạt, cũng bị ô nhiễm nặng do những người dân sinh sống ở vùng thượng nguồn thường xả rác và chất bẩn xuống dòng suối. Vào năm 2008, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rút tên hai thác Liên Khương và Gougah khỏi danh sách di tích quốc gia bởi cảnh quan hai danh thắng này đã bị thay đổi.

du lịch đà lạt
du lịch thành phố Đà Lạt

Lịch sử đã để lại cho Đà Lạt không ít những công trình kiến trúc giá trị, như những công sở, trường học, nhà thờ, tu viện, chùa chiền, công trình công cộng... cùng hàng ngàn biệt thự xinh đẹp hiện diện khắp thành phố. Qua thời gian, những dinh thự, biệt điện xưa kia từng thuộc về các nhân vật quyền lực, ngày nay được mở cửa đón khách viếng thăm. Ba dinh thự nổi tiếng của Đà Lạt trước đây đều là địa điểm du lịch, nhưng hiện nay chỉ Dinh III còn giữ chức năng này và tiếp tục thu hút du khách. Dinh II, hay còn gọi Dinh Toàn quyền, được dùng làm khách sạn, nơi hội thảo của chính quyền địa phương, còn Dinh I đã đóng cửa vài năm gần đây để sửa chữa. Một dinh thự khác của Đà Lạt, biệt điện Trần Lệ Xuân cũng trở thành điểm du lịch ngay từ năm 1964, ngày nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, nơi lưu giữ Mộc bản triều Nguyễn. Bên cạnh những di sản kiến trúc Pháp, một vài công trình xây dựng những thập niên gần đây như thiền viện Trúc Lâm, biệt thự Hằng Nga hay XQ Sử quán cũng đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn. Nhưng giống như các thắng cảnh, một vài công trình kiến trúc của Đà Lạt cũng đang bị bỏ quên hoặc xâm hại. Khuôn viên nhà ga Đà Lạt, một trong những biểu tượng nổi tiếng của thành phố, trở thành bãi tập kết gốm sứ, cây cảnh và vườn rau bắp cải của người dân. Quần thể di tích kiến trúc Trường Cao đẳng Sư phạm không chỉ xuống cấp mà còn bị "chung cư hóa" bởi sự sinh hoạt của hơn 30 gia đình dân cư. Khu lăng mộ Nguyễn Hữu Hào từng bị bỏ hoang nhiều năm và trở thành địa điểm của những người nghiện ma túy và hoạt động mại dâm.

Với tuổi đời chỉ hơn một thế kỷ, Đà Lạt không có những lễ hội truyền thống lâu đời. Tuy vậy, từ năm 2005, thành phố bắt đầu tổ chức Festival Hoa Đà Lạt, một lễ hội với nhiều sự kiện cùng các hoạt động nghệ thuật nhằm giới thiệu các loài hoa địa phương cũng như từ những vùng miền khác. Năm 2007, dù chưa thực sự được tổ chức tốt, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ hai đã thu hút khoảng 120 ngàn du khách tới thăm. Festival Hoa Đà Lạt 2010 là sự kiện đầu tiên trong chuỗi bảy sự kiện quốc gia mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong dịp này, đã có gần 300 ngàn du khách đến với Đà Lạt trong suốt 4 ngày của lễ hội. Năm 2012, Festival Hoa được tổ chức vào dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch và đã thu hút hơn 300 ngàn du khách tới tham dự. Trong những năm gần đây, số lượng khách đến du lịch Đà Lạt vẫn tiếp tục tăng. Vào năm 2000, thành phố đón 710 ngàn lượt khách tới thăm, đến năm 2009, con số đã tăng gấp ba với trên 2,1 triệu lượt khách, trong đó khoảng 10% là du khách quốc tế. Mặc dù vậy, thời gian trung bình khách lưu lại Đà Lạt chỉ 2 ngày, trong khi tỷ lệ của Bình Thuận là 3,8 đến 4 ngày. Du lịch Đà Lạt phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của Nha Trang và Phan Thiết, hai thành phố du lịch duyên hải không xa Đà Lạt.

Nguồn: wikipedia.org